No products in the cart.
Cơ chế nào để hút đầu tư vào năng lượng tái tạo?
Sau hội nghị COP26 vừa qua với cam kết hướng đến xây dựng một nền năng lượng xanh, sạch, bền vững. Việt Nam đang quyết liệt thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là cơ chế nào để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân?
Cơ cấu chuyển dịch năng lượng
Các chuyên gia đã đánh giá Việt Nam là một nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này.
Do rào cản về chính sách và cơ chế thực hiện đã hạn chế các dự án năng lượng tái tạo đưa vào thực tế. Và đây chính là thời điểm để Việt Nam quyết tâm chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Trên thực tế, trong vài năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Vì vậy đã thu về những bước tiến vượt bậc. Cụ thể, theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644MW. Trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%. Có thể thấy tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam lớn thế nào.
Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, NLTT, nâng tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng lên hơn 32% vào 2030 và sẽ đạt khoảng 44% vào 2050.
Mới đây tại hội nghị COP26, Thủ tướng Pham Minh Chính đã đưa ra mục tiêu giảm thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu, Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Xuyên suốt hội nghị, các tổ chức trong & ngoài nước đã đưa ra các vấn đề hiện nay thế giới nói chung & Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt nhằm đảm bảo phát triển Kinh tế xanh, bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết COP26 đầy tham vọng. Việt Nam cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Cần cơ chế xuyên suốt, lâu dài
Thực tế, thời gian qua, nhờ thông qua các cơ chế khuyến khích được Chính phủ ban hành đã tạo động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhận định về vấn đề này, bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho biết, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam, đặc biệt là các quyết định về giá mua điện mặt trời và điện gió tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020, Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã mở ra xu hướng mới trong đầu tư phát triển nguồn điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Nhiên, chính sách này chưa có lộ trình xuyên suốt, liên tục, điều này làm giảm cam kết của các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án theo quy hoạch. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách duy trì thị trường phát triển trong dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu điện cũng như mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.
Đặc biệt, bà Nhiên dẫn chứng, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư lưới điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 32,9 tỷ USD. Và giai đoạn 2031-2045 khoảng 52,1 tỷ USD. Như vậy, để đạt kế hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho loại năng lượng này tới đây là rất lớn. Và muốn vậy, chính sách, cơ chế cho loại năng lượng này cần liên thông, tránh đứt đoạn, khoảng trống như vừa qua, có như vậy mới có thể huy động thêm vốn đầu tư tư nhân tham gia phát triển trong lĩnh vực điện.
Bên cạnh đó, bà Nhiên đã chỉ ra, thách thức phát triển cho ngành điện Việt Nam trong 10 năm tới song song với phát triển nguồn mới là về phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện. Vì thế, cần có cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như tổ chức đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc công suất hoặc đấu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện và cơ sở hạ tầng ngành điện.
Bà Nhiên kiến nghị, Việt Nam cần chính sách nhất quán và có lộ trình rõ ràng, đồng thời xây dựng cơ chế triển khai các vòng đấu thầu cạnh tranh, minh bạch sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường đầu tư. Đặc biệt, cần có một bản đồ Quy hoạch điện lực Quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa các nguồn điện khác nhau, hài hòa giữa nguồn – lưới và hài hoà giữa các vùng miền – toàn quốc gia. Bởi sự mất cân đối đã khiến những khu vực thừa điện phải cắt giảm công suất phát triển miền, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng; Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện NLTT giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn NÐT.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải.
Đây là một trong những động lực lớn giúp QSD Solar tiếp tục góp phần thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển năng lượng sạch bền vững cho tương lai.
Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam