No products in the cart.

Điện mặt trời tại Việt Nam – Tiềm năng và thách thức
Cho đến nửa đầu thế kỷ 21, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chủ đạo cho mọi sinh hoạt, sản xuất của con người. Tuy nhiên, nếu phóng tầm nhìn ra viễn cảnh tương lai – khi nguồn nhiên liệu hóa thạch đang rơi vào trạng thái dần cạn kiệt, khi thế giới bắt đầu phải đối mặt với những thảm họa môi trường gây nên bởi biến đổi khí hậu thì năng lượng tái tạo sẽ lên ngôi thay thế. Điều đặc biệt, năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ giữ vai trò trọng yếu, cung cấp tới ¾ nhu cầu năng lượng của toàn nhân loại. Trong bối cảnh các quốc gia phát triển sớm đã thức thời để dồn lực đầu tư vào nguồn năng lượng tương lai này, Việt Nam cũng không bỏ phí tiềm lực điện mặt trời của quốc gia và đạt được những bước tiến đáng chú ý trong lĩnh vực phát triển công nghệ năng lượng mặt trời trong những năm vừa qua.
“Tiềm năng lớn – Thách thức cũng không hề nhỏ”
Nhận định trên hoàn toàn phù hợp với thực trạng khai thác và phát triển điện năng lượng mặt trời của nước ta. Thị trường điện năng lượng mặt trời đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn với những dự án cực kì triển vọng. Chính vì vậy, để có thể tận dụng và tối ưu khai thác nguồn tài nguyên xanh vô tận, một cái nhìn tổng quan về tiềm năng song song với góc phân tích thấu đáo đối với những khó khăn, thách thức mà ngành năng lượng mặt trời nước nhà đang gặp phải là điều kiện tiên quyết cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn đặt chân vào mảnh đất còn khá mới mẻ này.
TIỀM NĂNG LỚN
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, là một trong những vị trí thu nhận lượng ánh sáng mặt trời nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Lượng bức xạ mặt trời bình quân mỗi năm của nước ta dao động trong khoảng 4,3~5,7 triệu kWh/㎡. Đặc biệt tại các vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng mỗi năm lên tới 2000~2600 giờ.
Từ đó suy ra được lượng bức xạ mặt trời tính trung bình khoảng 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2000 đến 5000 giờ. Nhìn chung tại Việt Nam, năng lượng mặt trời có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Có thể nói, với những ưu đãi của thiên nhiên như vậy, bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên quan trọng của Việt Nam.
(Sơ đồ bức xạ mặt trời tại Việt Nam)
Theo Chương trình Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam rời vào khoảng 20 GW, trên mái nhà từ 2 đến 5 GW. Tính đến cuối năm 2018, các nhà đầu tư đã đăng ký tới hơn 11.000 MW điện mặt trời, chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Như vậy, năm 2018 chúng ta đã gần như đạt cột mốc của giai đoạn đến năm 2030 (11.000 thực tế so với 12.000 quy hoạch).
Trong đó, tỉnh thuộc Nam Trung bộ của Việt Nam, Ninh Thuận có tiềm năng sản xuất năng lượng mặt trời cao nhất và với hơn 140 dự án. Các khu vực tiềm năng khác bao gồm Bình Thuận, Daklak và Khánh Hòa, đã thu hút lần lượt 100,13 và 12 dự án. German ASEAN Power, B.Grimm Power Public Co Ltd, Trina Solar, Siemens, Schletter cũng nằm trong top những tập đoàn đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Việt Nam.
Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu ở Ninh Thuận
Hiện nay, điện mặt trời trên mái nhà được nhiều chuyên gia đánh giá cao bởi không tốn diện tích đất lại giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Hệ thống này được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy… với quy mô vài kW đến MW. Các tấm pin mặt trời thông dụng có công suất khoảng 290-350 Wp được thiết kế kiểu panel diện tích khoảng 2m2. Nhờ quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên điện mặt trời trên mái nhà thường được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải.
Bên cạnh đó, chính sách giá FiT cũng cho thấy sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho ngành năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Từ kết quả trên cho thấy, ngành điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.
⇒ Tham khảo: Chính sách giá FiT và tầm quan trọng của giá FiT đối với sự phát triển điện mặt trời
THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ
Có tiềm năng phát triển lớn là thế, song ngành điện năng lượng mặt trời vẫn gặp vô vàn những thách thức trong quá trình áp dụng, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Tại Việt Nam, khó khăn đầu tiên khi phát triển điện năng lượng mặt trời chính là chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống ban đầu thường tương đối cao. Hơn nữa, độ nhận diện về điện năng lượng mặt trời chưa được phủ sóng rộng do đây là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với nước ta, nên mức độ hiểu biết về những lợi ích to lớn mà hệ thống này mang lại của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh các dòng đèn năng lượng mặt trời chính hãng, chất lượng giữ vai trò là một trong những nhân tố quan trọng để có thể gây dựng niềm tin, thúc đẩy quá trình chuyển sang xu hướng sử dụng 100% năng lượng xanh, sạch của người dân.
Rào cản thứ hai mà không chỉ ngành điện năng lượng mặt trời Việt Nam gặp phải, mà rất nhiều các quốc gia phát triển cũng đang phải đau đầu chính là việc đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả các hệ thống có công suất lớn. Đặc tính của năng lượng mặt trời là tính bất ổn định do nguồn cung ánh sáng không đồng đều. Lượng điện sản xuất được buộc phải sử dụng ngay hoặc hòa lưới. Ngoài ra hệ thống dự trữ điện mặt trời bị giới hạn vì giá thành vẫn còn khá cao, nếu muốn thiết bị hoạt động khi không có nắng thì buộc phải sử dụng điện lưới để bù vào công suất thiếu hụt. Chính vì vậy, chúng ta cần thêm thời gian tìm tòi,nghiên cứu để nâng cấp một hệ thống điện năng lượng mặt trời hoàn chỉnh và có giá thành ổn định hơn.
Theo lời của TS Trần Thị Thu Trà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dòng điện mà điện mặt trời sản xuất là dòng điện một chiều trong khi các dòng điện tiêu thụ dân dụng lại là dòng điện xoay chiều. Vì vậy để sử dụng điện năng lượng mặt trời thì phải cần có bộ Inverter (Biến tần) có hiệu suất làm việc tốt, không tiêu hao.
(Inverter chuyển đổi dòng điện)
Tiểu kết
Công cuộc tìm hiểu thực trạng, tiềm năng và khó khăn trong việc phát triển ngành điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc cải tiến hệ thống và tìm ra các phương án phát huy ưu điểm cũng như hạn chế nhược điểm khi sử dụng nguồn năng lượng này.
Trước mắt là các phương án xây dựng đồng thời các nguồn điện phủ “nền” và nguồn dự trữ song song với hệ thống năng lượng mặt trời nhằm đảm bảo cung cấp nguồn điện cho những ngày có biến động về mặt khí hậu, thời tiết như nhiều mây, ít nắng, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, nhu cầu dùng điện lên cao đòi hỏi cung cấp một khối lượng công suất lớn. Hơn nữa cần phát triển thêm các nguồn dự trữ để không làm lãng phí tài nguyên vào những điểm giờ vàng trong ngày như buổi trưa, đào sâu việc tăng hiệu năng của pin tích trữ và xử lý môi trường sau mỗi vòng đời của các thiết bị.
Bên cạnh đó, điện mặt trời hoàn toàn có thể phát triển kết hợp với điện gió. Với đặc tính tự nhiên của thiên nhiên: ban ngày nhiều sáng và ban đêm nhiều gió, điện mặt trời và điện gió có thể tương trợ nhau giúp giảm thiểu sự bất ổn định trong quá trình cấp điện. Đồng thời chủ đầu tư xây dựng cần cân nhắc kĩ đặc tính từng khu vực, từng vùng để phát triển điện mặt trời, tránh xảy ra tình trạng lưới truyền tải quá nặng, không phát huy được hết công suất dự tính ban đầu.
(Năng lượng mặt trời – Tương lai của nhân loại)
Năng lượng mặt trời là một trong những câu trả lời đầy triển vọng cho bài toán thiếu hụt năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Việc sử dụng nguồn năng lượng này không chỉ giúp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ cho người dân, doanh nghiệp mà còn thể hiện một lối sống tương lai tân tiến, một nền kinh tế xanh – chú trọng bảo vệ và gìn giữ môi trường. Chính vì vậy, với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin vào sự cất cánh của nền năng lượng mặt trời tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
Tạp chí Công Thương: Năng lượng tái tạo – Xu thế không thể khác của Việt Nam