No products in the cart.

Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy xu thế toàn cầu về năng lượng tái tạo
Không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch cơ cấu năng lượng vẫn đang lan rộng mạnh mẽ trên toàn thế giới bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng đã và đang có những chuyển biến tích cực, cho thấy quyết tâm chung tay góp sức cho chiến dịch chống biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển sang thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nguồn năng lượng sạch hướng tới sự phát triển của một nền kinh tế xanh bền vững trong tương lai.
Từ thế giới đến Việt Nam
Chuyển dịch cơ cấu năng lượng (Energy Transition) là sự thay đổi chính sách, cơ cấu, công nghệ, ngành năng lượng, từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững như gió, mặt trời, sinh khối….
Đặt trên bàn cân so sánh, trong khi nhiên liệu hóa thạch mất hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm để có thể hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt,… tùy vào điều kiện môi trường, thì tốc độ tiêu thụ của con người quá áp đảo. Đã qua rồi cái thời các quốc gia còn tự hào về nguồn tài nguyên than đá, dầu mỏ,… phong phú vô tận, qua rồi thời đại con người bất chấp lao vào guồng quay phát triển kinh tế mà “một mắt nhắm, một mắt mở” trước sự kiệt quệ của thiên nhiên.
Đứng trước thực trạng nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đến hạn, điện hạt nhân với cơ vàn tiềm tàng thảm họa và biến đổi khí hậu toàn cầu, rõ ràng, việc nhìn nhận nhu cầu phát triển kinh tế đi liền với an ninh năng lượng, dẫn đến sự ra đời của các phương án nghiên cứu, bổ sung và dần thay thế nguồn nhiệt điện, thủy điện bằng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, sinh khối,.. là một điều tất yếu. Để có thể giải tỏa một phần sức ép trong việc đảm bảo nhu cầu cũng như an ninh năng lượng, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm đặt mục tiêu tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Vai trò của năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Tính đến năm 2021, dân số Việt Nam đang ở con số 98 triệu, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á và thứ 15 trên thế giới. Trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% vào năm 2018 (mức cao nhất trong 10 năm qua), nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc tích cực. Được cộng hưởng lợi ích trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) dựa trên những thế mạnh nội tại và tác động từ các căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc, sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân và cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh khối doanh nghiệp nhà nước qua cổ phần hóa sẽ là những nhân tố tích cực để kinh tế Việt Nam bứt phá.
Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia trong tương lai, nếu nói cung ứng năng lượng để tăng trưởng kinh tế là yếu tố then chốt, thì phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam là nước cờ cởi bỏ nút thắt cho sức ép nhu cầu năng lượng cũng như giảm thiểu mức độ gây hại cho môi trường. Đây cũng là một trong những giải pháp phát triển bền vững nguồn năng lượng Việt Nam bằng cách đa dạng hóa các đầu cung, đặc biệt khai phá tiềm năng gió, năng lượng mặt trời có sẵn để khơi mở nguồn điện quốc gia.
Thực trạng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu định hướng: “Tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, cung cấp dịch vụ năng lượng tái tạo trong nước. Tăng cường mạnh tiềm lực cho nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo mới”.
Nếu nhu cầu về năng lượng từ năm 2016-2020 được dự đoán tăng 10%, thì trong giai đoạn từ 2021-2030, mức tăng bình quân được nhận định sẽ tiến đến con số 8% mỗi năm. Năm 2019 – một cột mốc tỏa sáng quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, tổng năng lực sản xuất nước ta đạt mức 54.880 MW. “Tuy nhiên, toàn quốc cần khoảng 60.000MW điện vào năm 2020 và khoảng 96.500MW đến năm 2025. Chúng ta cần tăng năng suất thêm 6.000MW-7.000MW mỗi năm để đáp ứng được lượng cầu tiêu thụ, và để đạt được điều đó cần đầu tư 148 tỷ USD cho đến năm 2030.”
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước đột phá trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á với kỷ lục công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành là 5000 MW. Tại Việt Nam, một số nguồn năng lượng tái tạo đang được chú trọng đưa vào khai thác bao gồm:
a. Năng lượng mặt trời
Nguồn điện mặt trời sinh ra từ quá trình biến đổi năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành điện năng. Lợi thế về mặt địa lí với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam đã biến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ để phát triển các dòng công nghệ về năng lượng mặt trời.
Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của Chương trình Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20 Gigawatt (GW), trên mái nhà (rooftop) từ 2 đến 5 GW. Trong đó, tỉnh thuộc Nam Trung bộ của Việt Nam, Ninh Thuận có tiềm năng sản xuất năng lượng mặt trời cao nhất với hơn 140 dự án. Các khu vực tiềm năng khác bao gồm Bình Thuận, Daklak và Khánh Hòa đã thu hút lần lượt số lượng lớn các dự án. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cả những dự án đã ký PPA nhưng chưa đưa vào vận hành và dự án đã đưa vào quy hoạch tuy chưa ký PPA. (Power Purchase Agreement – Hợp đồng mua bán điện).
Đọc thêm: Điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam – Tiềm năng và thách thức
b. Năng lượng gió
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió rất lớn, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 – 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110GW. Các khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cung cấp tiềm năng khai thác năng lượng gió cao nhất với tốc độ gió trung bình từ 7 m/s trở lên.
Tổng công suất điện gió hiện nay là 327 MW. Với nguồn vốn nước ngoài đang tăng lên, Việt Nam dự kiến vào năm 2021 sẽ lắp đặt các dự án điện gió cả nhằm nâng công suất lên 1GW. Nếu thành công, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan để vươn lên dẫn đầu ngành năng lượng gió trong khu vực. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) phát triển điện gió ngoài khơi với các dự án đã được lắp đặt hiện đạt 99 MW.
Bà Liming Qiao, giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) cho biết, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang tăng cao ở Việt Nam như hiện nay, nhà nước đang tập trung vào đường bờ biển dài 3.300km để phát triển tiềm năng điện gió cả ngoài khơi lẫn trong đất liền. Chỉ riêng điện gió ngoài khơi, ước tính có thể đạt công suất 309 GW, cũng đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Bà Qiao cũng nói thêm: “Chính phủ (Việt Nam) đã nhận ra rằng năng lượng gió không những có chi phí thấp mà còn là nguồn điện bền vững. Với nhu cầu điện ngày càng tăng như hiện nay, đây là hướng đi hợp lý.”
c. Điện sinh khối
Việt Nam là một nước nông nghiệp do đó cũng sản xuất một lượng lớn chất thải nông nghiệp mỗi năm. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 50% tổng lượng chất thải nông nghiệp cho cả nước. Các loại sinh khối chính là: gỗ năng lượng, phế thải – phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Năng lượng sinh khối quy đổi tương đương khoảng 43-46 triệu tấn dầu, trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỷ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. . Hiện tại, Việt Nam tạo ra hơn 28 triệu tấn chất thải hàng năm – trong đó – 76% được xử lý tại các bãi chôn lấp. Chúng ta có tiềm năng sản xuất khoảng 1 triệu MWh vào năm 2020 và 6 triệu MWh vào năm 2050 từ chất thải này.
Kết luận
Bức tranh tổng quan về tương lai cho tiềm năng phát triển ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể được mô tả như sau:
Nhìn vào biểu đồ tổng hợp quy hoạch trên, ta có thể thấy rõ tiềm năng phát triển và con số dự tính tỷ lệ đóng góp công suất ngành năng lượng đến năm 2030 dự đoán sẽ có những biến chuyển vượt bậc rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực điện mặt trời. Với tổng mức công suất năm 2020 là 6000MW, năm 2030 là 27.200MW tăng xấp xỉ gấp 5 lần, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đã tìm ra động lực phát triển mới và chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về một tương lai sử dụng 100% năng lượng xanh, xây dựng một hệ sinh thái lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, việc sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này vẫn còn đang gặp phải nhiều rào cản, thách thức về thể chế, pháp lý, kỹ thuật cũng như kinh tế tài chính. Chính vì vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu trên, ta cần phải phân tích được tiềm năng cũng như thách thức to lớn sẽ phải đối mặt, từ đó đưa ra phương án khai thác, phát triển phù hợp với thực tiễn và nguồn lực nội tại của quốc gia.
Nguồn tham khảo:
Tạp chí Công Thương: Phát triển thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam
Tạp chí Cộng Sản: Xu hướng phát triển năng lượng mới trên thế giới