Năng lượng tái tạo – Xu hướng phát triển toàn cầu

Năng lượng tái tạo – Xu hướng phát triển toàn cầu

“More energy. Less Carbon.”

Thế giới mà chúng ta sinh sống đang phải đương đầu với một thách thức lớn – cơn khát năng lượng, nhiên liệu cho mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế song phải đi đôi với nhu cầu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là một bài toán không hề đơn giản, đòi hỏi lời giải đáp cho công cuộc tìm kiếm một dạng năng lượng mới ưu việt hơn, đáp ứng được các vấn đề đặt ra trong bối cảnh các nguồn năng lượng không thể tái tạo đang trở nên khan hiếm và dần cạn kiệt.

nang-luong-tai-tao-xu-huong

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO LÀ GÌ?

Trước tình hình đó, năng lượng tái tạo – hay “năng lượng xanh” – là dạng năng lượng có thể tái sinh, tuần hoàn liên tục từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên, đã xuất hiện và trở thành nguồn năng lượng mới với tiềm năng khai thác dồi dào. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, xét diện rộng trên toàn thế giới, sự thúc đẩy và phát triển nguồn năng lượng sạch, vô tận này đã ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực với tất cả những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại. Trong đó nổi bật nhất là tính bảo vệ môi trường, khả năng tái tạo trong thời gian ngắn và giúp con người thoát khỏi sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch từ trước tới nay.

Năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của thế giới trong vòng hai thập niên tới và đang tạo dựng chỗ đứng trong hệ thống năng lượng toàn cầu nhanh hơn bất kỳ nhiên liệu nào trong lịch sử“. British Petroleum (BP), một trong những tập đoàn dầu khí đa quốc gia hàng đầu thế giới, ước tính vào năm 2040, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các năng lượng khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện năng trên thế giới, đặc biệt ở khu vực các nước châu Âu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.

Ngoài ra, BP cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo: “Trong khi dầu mất gần 45 năm để tăng từ mức 1% năng lượng toàn cầu lên 10% và khí đốt mất hơn 50 năm, thì năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chỉ trong vòng 25 năm”. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong hai thập niên tới, sau đó thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.

 

nang-luong-tai-tao

LÀN SÓNG SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TRÊN THẾ GIỚI

Nhận định của chuyên gia trong ngành cho biết, năng lượng tái tạo có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành điện, cung cấp xấp xỉ 30% nhu cầu điện trong năm 2023 (tăng 6% so với năm 2017). Dự đoán trong tương lai, khối năng lượng này sẽ đáp ứng được hơn 70% mức tăng trong sản xuất điện toàn cầu. Trong đó đi đầu là năng lượng mặt trời, theo sau là các nguồn năng lượng gió, thủy điện và năng lượng sinh học.

Ngay cả trong bối cảnh toàn cầu đang chịu những tổn thất, thiệt hại lớn do đại dịch Covid-19 gây ra về cả kinh tế, nhân lực kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo vẫn luôn được các quốc gia chú trọng phát triển cho thấy rõ tầm nhìn xa và kỳ vọng đối với tiềm năng phát triển lâu dài trong tương lai của dạng năng lượng này.

Theo báo cáo một khảo sát áp dụng với 570 thành phố khắp thế giới, tính đến năm 2017, có 101/570 thành phố đã chuyển sang tiêu thụ điện chủ yếu được tạo ra từ nguồn tái tạo. Điểm ấn tượng ở đây là sự chuyển dịch vượt mức tăng cao so với con số 42 thành phố tính ở thời điểm 2015. Số lượng các quốc gia ở châu Phi từ Dar es Salaam (Tanzania), Harare (Zimbabwe) đến Mazabuka (Zambia) khai thác điện mặt trời và điện gió đang tăng mạnh, bên cạnh đó thì Nairobi (Kenya) lại đang tận dụng tối đa lợi ích của địa nhiệt.

Dưới đây là hình ảnh một trạm địa nhiệt ở Iceland. Thủ đô của quốc gia này đã đạt được mục tiêu 100% năng lượng tiêu thụ đến từ các nguồn tái tạo:

 

tram-dia-nhiet-iceland

 

Ở Mỹ, Burlington (Vermont) là thành phố đạt được 100% năng lượng tiêu thụ từ năng lượng tái tạo. Vào năm 2015, toàn bộ phương tiện trong thành phố này đều được vận hành bằng năng lượng tái tạo và đang hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố xanh, nói không với khí nhà kính. Hành động quyết liệt chống lại sự biến đổi khí hậu về mặt năng lượng ở cấp độ thành phố là kết quả của sự tác động xuất phát từ động thái rút khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến cả thế giới phải tìm ra bước đi mới để bảo vệ môi trường sống mà không có sự hợp tác của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ở Anh, đã có thêm 14 thành phố và thị trấn ký kết mục tiêu mạng lưới của chính quyền địa phương UK100 để đạt được 100% năng lượng sạch trước 2050, nâng tổng số lên 84 thành phố, tiêu biểu trong đó có Liverpool City Region, Barking and Dagenham, Bristol, Bury, Peterborough, Redcar và Cleveland. EU cũng đã thực hiện rất nhiều dự án năng lượng sạch, con số các thành phố sử dụng năng lượng sạch của khối này hiện tại đang chiếm 20% trong tổng số 101 quốc gia.

Tại châu Á, các quốc gia cũng đã và đang có những động thái tích cực trong dòng xu hướng chuyển dịch nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo. Trong tuyên bố về “Tầm nhìn trung hòa Các-bon vào năm 2050”, trước tình hình các hiện tượng khí hậu cực đoan như mùa hè kéo dài, mùa đông ngắn, nắng nóng gay gắt, đêm nhiệt đới sẽ gia tăng mạnh, Tổng thống Moon Jae In khẳng định sẽ đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chủ chốt cho Hàn Quốc – một nước có tỷ trọng sản xuất chế tạo cao và nhiều ngành nghề tiêu thụ năng lượng.

 

tong-thong-han-quoc

 

Cùng với đó, Nhật Bản cũng công bố kế hoạch nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, trong đó yêu cầu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện tối thiểu phải đạt mức 50%. Thái Lan còn cho phép các nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng cùng đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo bắt đầu thí điểm từ năm 2021. Thủ tướng N.Mô-đi cũng nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt 175 GW năng lượng tái tạo vào năm 2022 và 450 GW vào năm 2030 bằng cách xây dựng công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, dự kiến giúp Ấn Độ giảm 50 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm.

KẾT

Đứng trước nguy cơ biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch, sự xuất hiện của nguồn năng lượng tái tạo đã đem đến một làn gió mới cho ngành năng lượng nói chung, biến thách thức trở thành một cơ hội và động lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển đi kèm với sứ mệnh bảo vệ môi trường. Việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng này đã và đang dần trở thành xu hướng lan rộng toàn cầu, là ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh mục tiêu chống biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm không khí thì đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cũng là một trong những mục tiêu quan trọng được nhắm tới. Sự lan rộng của xu hướng nói trên phản ánh rõ sự phát triển, tiến bộ trong nhận thức của con người đối với các nguồn năng lượng sạch và những vấn đề cấp thiết liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, để có đủ khả năng đạt được mục tiêu lâu dài về khí hậu và môi trường, việc chú trọng, dồn lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cần được đẩy nhanh và có định hướng khai thác hợp lý.

Đọc thêm: Vị trí của Việt Nam trong dòng chảy xu thế toàn cầu về năng lượng tái tạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
YOUR CART
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng